Thời Lưu Tống Phạm_Thái_(Lưu_Tống)

Lưu Dụ lên ngôi, là Lưu Tống Vũ đế (420), Thái được bái làm Kim tử quang lộc đại phu, gia Tán kỵ thường thị. Năm sau (421), triều đình bàn việc lập Quốc Học, lấy Thái lĩnh Quốc tử tế tửu, ông hăng hái dâng biểu trình bày về đạo khuyến học, nhưng Quốc Học không được lập. Bấy giờ tiền đồng thiếu thốn, cả nước không đủ dùng, có người đề nghị thu lấy đồ đồng trong dân, đúc tiền Ngũ thù; Thái can ngăn, cho rằng tiền ít lưu hành là vì kinh tế sa sút, không phải thiếu tiền; thu lấy đồ đồng sẽ gây hoang mang trong nước.

Năm Cảnh Bình đầu tiên (423) thời Lưu Tống Thiếu đế, Thái được gia vị Đặc tiến. Năm sau (424), Thái trí sĩ, được giải chức Quốc tử tế tửu. Thái dâng thư cực lực can ngăn những việc làm không chính đáng của Thiếu đế (diễn tập quân sự ở hậu viện, luyện võ ở dịch đình); Thiếu đế không nghe theo, nhưng cũng không khiển trách. Thái vốn bất bình bọn Từ Tiện Chi, Phó Lượng, đến khi Lư Lăng vương Lưu Nghĩa Chân, Thiếu đế bị hại, ông nói với thân nhân rằng: "Ta xem việc xưa nay nhiều rồi, chưa từng thấy đã nhận lời thác cô, mà giết chết tự quân, làm tội hiền vương thế này!"

Năm Nguyên Gia thứ 2 (425) thời Lưu Tống Văn đế, Thái dâng biểu chúc mừng năm mới, trình bày tình trạng hạn hán, quy kết là do có người chết oan. Sau đó Thái cưỡi thuyền nhẹ dạo chơi Đông Dương, tùy ý đi dừng, không quan tâm đến triều đình. Bọn Từ Tiện Chi hặc tội, nhưng Văn đế gạt đi. Triều đình chỉ khôi phục tước vị cho Lưu Nghĩa Chân, Thái dâng biểu xin gia tặng cho ông ta, các con của ông giữ lại, nên tờ biểu này không được dâng lên.

Năm thứ 3 (426), Văn đế giết bọn Từ Tiện Chi, Thái được tiến vị Thị trung, Tả quang lộc đại phu, Quốc tử tế tửu, lĩnh Giang Hạ vương (Lưu Nghĩa Cung) sư (thầy), đặc tiến như cũ. Văn đế cho rằng Thái là bề tôi cũ của Vũ đế, ân lễ rất trọng; cho rằng ông bị đau chân, đi lại khó khăn, ngày có buổi chầu thì được đặc cách ngồi xe đến chỗ ngồi. Thái mỗi khi trình bày, đều được Văn đế ưu ái và khoan dung. Mùa thu năm ấy có nạn hạn hán, Thái dâng biểu xin tha tội cho vợ và con gái của Tạ Hối, đế nghe theo. Khi ấy Tư đồ Vương Hoằng phụ chánh, Thái khuyên Hoằng chia quyền cho Bành Thành vương Lưu Nghĩa Khang, ông ta nghe theo.

Cuối đời Thái dốc lòng thờ Phật, ở mé tây trạch đệ dựng một tòa Chi Hoàn tinh xá [7]. Năm thứ 5 (428), mất, hưởng thọ 74 tuổi.